Sắp diễn ra
Tọa đàm Quốc tế
Rượu trong văn hóa truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản
Kết nối Di sản văn hóa với cộng đồng Quốc tế
RƯỢU VÀ SAKE: KẾT NỐI TRUYỀN THỐNG, ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) hân hạnh phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) tổ chức tọa đàm Quốc tế “Rượu trong văn hóa truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản: Kết nối Di sản văn hóa với cộng đồng Quốc tế”. Các loại đồ uống có cồn truyền thống không chỉ đơn thuần là thức uống mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam và Nhật Bản, rượu truyền thống và sake đã gắn bó với đời sống thường ngày, các nghi lễ và lễ hội suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn phương pháp nấu rượu truyền thống trước làn sóng hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Tọa đàm này nhằm làm nổi bật ý nghĩa văn hóa, lịch sử và kinh tế của các loại đồ uống có cồn truyền thống, thảo luận về những khó khăn trong việc duy trì nghề thủ công này, đồng thời tạo ra cơ hội giao lưu quốc tế thông qua di sản chung của hai quốc gia.
Tại Việt Nam, rượu không chỉ là một sản phẩm tiêu dùng mà còn đại diện cho bản sắc vùng miền và sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc. Với hơn 50 dân tộc thiểu số, Việt Nam có nhiều loại rượu truyền thống đặc trưng như rượu cần của người Ê Đê, rượu ngô của người H’Mông và rượu gạo của người Kinh. Những loại rượu này được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ cộng đồng, lễ hội và đời sống thường ngày. Dù mang giá trị lịch sử sâu sắc, ngành sản xuất rượu truyền thống tại Việt Nam đang đối mặt với thương mại hóa, kiểm soát chất lượng không đồng đều và sự cạnh tranh từ rượu công nghiệp. Việc thiếu tài liệu nghiên cứu và các biện pháp bảo tồn hiệu quả đang đặt ra thách thức lớn đối với sự bền vững của di sản này.
Nhật Bản cũng có một truyền thống nấu rượu phong phú, với sake là biểu tượng văn hóa quan trọng. Với hơn 1.000 năm lịch sử, sake ban đầu được dùng trong các nghi lễ tôn giáo trước khi trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực và đời sống xã hội Nhật Bản. Nghệ thuật làm sake tập trung vào độ chính xác, chất lượng nguyên liệu và đặc trưng vùng miền. Ngành công nghiệp sake hiện nay đã mở rộng ra toàn cầu, nhưng cũng phải đối mặt với sự suy giảm tiêu thụ trong nước, lực lượng lao động già hóa và thách thức trong việc duy trì các kỹ thuật truyền thống trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng. Sake được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào tháng 12 năm 2024 đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ và phát triển bền vững ngành công nghiệp này.
Dù có sự khác biệt về kỹ thuật sản xuất và bối cảnh văn hóa, rượu truyền thống Việt Nam và sake Nhật Bản đều mang giá trị chung về sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn di sản và thúc đẩy giao lưu quốc tế. Tọa đàm này sẽ phân tích những nét tương đồng và khác biệt giữa hai loại đồ uống truyền thống, đồng thời tạo ra không gian thảo luận về vai trò của rượu trong nghi lễ, đời sống thường ngày và quá trình thương mại hóa toàn cầu. Các chuyên gia sẽ chia sẻ những quan điểm và giải pháp để hai quốc gia có thể bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp rượu truyền thống, giúp người tham dự có cái nhìn sâu sắc hơn về tương lai của các loại đồ uống có cồn truyền thống trong thế giới hiện đại.
THÔNG TIN SỰ KIỆN
KHUNG CHƯƠNG TRÌNH
■ Đơn vị tổ chức
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản)
Đồng tổ chức: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS)
THÔNG TIN CHUYÊN GIA
1. PGS. TS. KISHI Yasuyuki
Sinh năm 1979 tại Tokyo.
Ông tốt nghiệp tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Waseda. Sau khi làm trợ giảng tại Đại học Waseda và trợ lý giáo sư đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Sản xuất, Khoa Kinh tế, Trường sau Đại học Tokyo; năm 2012 ông được bổ nhiệm làm phó giáo sư tại Khoa Kinh tế, Đại học Niigata. Từ năm 2018, ông đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rượu Sake tại Trường Đại học Niigata.
Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm tổ chức quản lý tại các nhà máy rượu sake, phát triển công nghiệp truyền thống ra quốc tế, giao thoa giữa truyền thống và đổi mới. Ông là người đề xuất khái niệm “Sakeology” (Sake học) thành một môn khoa học tổng hợp kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và giới học thuật, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Rượu Sake tại Đại học Niigata.
Hiện tại, ông đang tập trung vào việc xây dựng “Sakeology” thành một lĩnh vực nghiên cứu mang tầm quốc tế thông qua các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
2. GS. TS Bùi Quang Thanh
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Nghiên cứu viên cao cấp Bùi Quang Thanh, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Nước ngoài tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Với nhiều công trình nghiên cứu về di sản văn hóa dân tộc, ông đã tham gia xây dựng nhiều hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO xét duyệt vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại.
Ông đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng như tại nhiều viện nghiên cứu và trường đại học khác trên cả nước. Cho đến nay có gần 200 bài báo khoa học của ông đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Hiện tại, ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học tại Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Ủy viên Hội đồng Khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
3. Tiến sĩ Lê Thị Khánh Ly
Tiến sĩ Lê Thị Khánh Ly hiện là Trưởng Bộ môn Văn hóa Đối ngoại tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cô giảng dạy nhiều môn học như Lịch sử văn minh Thế giới, các năn hóa Thế giới, Ngoại giao văn hóa, Văn hóa biển Việt Nam, và Phát triển Dự án Văn hóa. Bên cạnh công tác giảng dạy, cô còn tham gia tích cực vào nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Thành phố, cấp Trường và là tác giả/ đồng tác giả của nhiều chuyên khảo, giáo trình giảng dạy, nghiên cứu.
Tiến sĩ Lê Thị Khánh Ly đã công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Các công trình nghiên cứu của cô không chỉ làm sáng tỏ những khía cạnh quan trọng của giao lưu văn hóa quốc tế, mà còn có ý nghĩa thực tiễn đối với việc xây dựng chính sách văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Trong đó, cô đặc biệt quan tâm đến văn hóa, lịch sử và chính sách đối ngoại của Nhật Bản, với trọng tâm là ngoại giao văn hóa Nhật Bản. Nghiên cứu về Nhật Bản của cô không chỉ làm rõ sự phát triển của ngoại giao văn hóa Nhật Bản qua các thời kỳ, mà còn đặt chúng trong bối cảnh quan hệ quốc tế và sự ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
■ Nếu có thắc mắc về chương trình hay liên hệ phỏng vấn chuyên gia Nhật Bản, Quý vị vui lòng liên hệ:
_____________________________________________________
Ms. Ánh (083-369-1818) / Mr. Osuka
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
SĐT: 024-3944-7419