Đã kết thúc
(Hà Nội) Biểu diễn múa: “HÒA ÂM ÁNH SÁNG, ÂM THANH, HÌNH ẢNH VÀ CƠ THỂ” bởi Hiroaki Umeda
Vũ công Nhật Bản nổi tiếng Hiroaki Umeda mê hoặc khán giả với màn biểu diễn múa đột phá
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) xin hân hạnh giới thiệu một buổi biểu diễn múa đương đại Nhật Bản mang tên “Hòa âm Âm thanh, Ánh sáng, Hình ảnh và Cơ thể” của nghệ sỹ Hiroaki Umeda được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.
Vũ công / Biên đạo múa Nhật Bản nổi tiếng Hiroaki Umeda sẽ mang đến Nhà hát Tuổi Trẻ một màn trình diễn mê hoặc với hai tác phẩm múa đột phá của anh: “While going to a condition” (tạm dịch: Biến chuyển trạng thái) và “Intensional Particle” (tạm dịch: Sâu trong hạt phân tử). Được biết đến với cách tiếp cận tân tiến đối với nghệ thuật múa và khả năng kết hợp chuyển động cơ thể với các yếu tố kỹ thuật số, tác phẩm của Umeda hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm đầy suy ngẫm và mãn nhãn.
Là một trong những người đi đầu trong cộng đồng nghệ thuật avant-garde Nhật Bản, Hiroaki Umeda đã làm say đắm khán giả trên toàn thế giới với phong cách độc đáo và khám phá sâu sắc về thời gian, không gian và cơ thể con người. Trong suốt sự nghiệp nhiều năm ròng của mình, anh đã nhận được vô số giải thưởng, tiêu biểu có thể kể đến giải thưởng Danh dự của Prix Ars Electronica vào năm 2010.
- “While going to a condition” (tạm dịch: Biến chuyển trạng thái) (2002)
Ánh sáng, âm thanh, hình ảnh và cơ thể – tất cả các yếu tố kết hợp thành một thể thống nhất lai tạo để thể hiện những gì nghệ sĩ gọi là “hình ảnh của trạng thái năng lượng riêng biệt”. Ngay trong tác phẩm solo đầu tiên thành công trên trường quốc tế của mình, Umeda đã thể hiện được cốt lõi nguyên tắc nghệ thuật của mình. - “Intensional Particle” (tạm dịch: Sâu trong hạt phân tử) (2015)
Khán giả sẽ được trải nghiệm một thực tế kỹ thuật số bão hòa với ‘sự ổn định không ổn định’: các dòng chảy dữ dội biến mất sau một phút, và thác nước sáng rực bốc hơi sau một giây. Tuy tấm canvas nổ tung, thấm đẫm các đường cong kỹ thuật số ngay trước mắt chúng ta, nó cũng mang lại một ấn tượng vô cùng mong manh.
Màn trình diễn của Hiroaki Umeda sẽ là một buổi diễn không thể bỏ qua đối với người hâm mộ múa đương đại và bất kỳ ai đang tìm kiếm một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và đầy suy ngẫm.
THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH
THÔNG TIN NGHỆ SĨ
Hiroaki Umeda
Hiroaki Umeda là một biên đạo múa và một nghệ sĩ đa ngành hiện được công nhận là một trong những nhân vật hàng đầu của nền nghệ thuật tiên phong Nhật Bản. Kể từ khi thành lập công ty S20, những tác phẩm múa tinh tế nhưng mãnh liệt của anh đã được lưu diễn khắp thế giới trước khán giả và được giới phê bình hoan nghênh. Tác phẩm của anh được công nhận nhờ phương pháp nghệ thuật mang tính tổng thể cao với nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ. Anh coi múa không chỉ là các yếu tố hình thể, mà còn cả các thành phần quang học, âm thanh, giác quan và trên hết là không gian – thời gian như một phần của biên đạo. Dựa trên mối quan tâm sâu sắc đến việc biên đạo thời gian và không gian, Umeda đã phát huy tài năng của mình không chỉ với tư cách là một biên đạo múa và vũ công, mà còn là một nhà soạn nhạc, nhà thiết kế ánh sáng, nhà phối cảnh và nghệ sĩ thị giác.
Sinh năm 1977 ở Tokyo, mới đầu Umeda học nhiếp ảnh tại Đại học Nihon (Tokyo). Ở tuổi 20, anh đã có hứng thú với loại hình nghệ thuật phù hợp cho việc tạo ra những trải nghiệm cơ thể mãnh liệt, điều đã gây dựng nên tên tuổi của anh, và bắt đầu tham gia nhiều lớp học nhảy múa như múa ba lê, hip-hop, múa hiện đại, v.v. Sau khoảng một năm, vào năm 2000, Umeda ngừng học, thành lập công ty riêng có tên S20 và bắt đầu tạo ra các tác phẩm đa ngành của riêng mình bằng cách tự do tích hợp tất cả các hình thức nhảy múa riêng biệt và các loại hình nghệ thuật khác. Năm 2002, tác phẩm nổi tiếng nhất của anh, “while going to a condition” (tạm dịch: Biến chuyển trạng thái), đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại Yokohama Dance Collection R (Yokohama, Nhật Bản) và ngay lập tức được mời đến Rencontres Choréographiques Internationales (Paris). Đạo diễn Anita Mathieu đã ca ngợi tác phẩm là “một trải nghiệm hình ảnh và giác quan”. […] Sự khám phá của một nghệ sĩ trẻ, vừa độc đáo vừa đầy hứa hẹn.’
Năm 2007, vở solo mới “Accumulated Layout” của anh được công diễn lần đầu tại Nhà hát Quốc gia Chaillot danh giá với nhiều mong đợi. Buổi biểu diễn đã cháy vé và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt. Khác hẳn với phong cách pha trộn hình ảnh kỹ thuật số, cảnh quan âm thanh tối giản và tính hữu hình cực kỳ mạnh mẽ đặc trưng của anh ngày nay, các tác phẩm solo khác của Umeda như Adapting for Distortion (2008), Haptic (2008), Holistic Strata (2011) và Split Flow (2013) tại các lễ hội và rạp hát lớn trên toàn thế giới như Festival d’Automne (Paris), Pompidou Center (Paris), Biennale de la Danse (Lyon), Kunstenfestivaldesarts (Brussel), Festival Roma Europa (Rome), Tanz im August (Berlin) , Tanzquartier (Vienna), NY Live Art (New York), The Barbican Center (London), Nhà hát Opera Sydney (Sydney), Trung tâm văn hóa quốc gia Tưởng Giới Thạch, R.O.C (Đài Bắc) và Aichi Triennale (Aichi) đã khiến cho các khán giả choáng ngợp. Một trong những tác phẩm thành công nhất của anh, Holistic Strata, do Trung tâm Nghệ thuật và Truyền thông tỉnh Yamaguchi (tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản) đồng sản xuất, được Umeda gọi là ‘tác phẩm sắp đặt động học’ đã đồng hóa liền mạch ranh giới giữa nhảy múa và nghệ thuật thị giác. Tác phẩm này sau đó được Le Monde công nhận là một ‘màn độc cảnh nhảy múa’ chứ không còn là một màn độc diễn nữa.
Năm 2009, Umeda bắt đầu dự án biên đạo kéo dài 10 năm ‘Superkinesis’ và làm việc với nhiều vũ công có nền tảng thể chất khác nhau như đương đại (1. Centrifugal, 2009), hip-hop (2. repulsion, 2010), ba lê cổ điển (3. Isolation, 2011) và các vũ công múa truyền thống châu Á (4. Temporal Pattern, 2013). Ngay từ đầu, phong cách biên đạo tối giản và sáng tạo, hài hòa giữa ngôn ngữ hình thể độc nhất của anh cùng cơ thể của các vũ công khác nhau, đã thu hút nhiều sự chú ý. Hầu hết các tiết mục đều được đặt hàng bởi các tổ chức quan trọng như Théâtre de Suresnes Jean Vilar (2. Repulsion), Hebbel am Ufer (3. Isolation), Nhà hát Esplanade, Trung tâm Văn hóa Quốc gia Tưởng Giới Thạch, R.O.C và Aichi Triennale (4. Temporal Pattern). Trong ‘Superkinesis’, Umeda mạo hiểm khám phá các chuyển động động học bẩm sinh của con người, trước sự sáng tạo của ngôn ngữ biên đạo nhân tạo, và sau đó, anh cố gắng xây dựng một trật tự siêu việt trong không gian và thời gian của sân khấu.
Trong chuỗi thử nghiệm biên đạo này, Umeda coi cơ thể của các vũ công như những vật thể tự nhiên liên tục chịu ảnh hưởng bởi các lực cơ bản, và tìm tòi khám phá các ngôn ngữ động học bằng cách hòa mình vào giọng nói tinh tế của môi trường xung quanh, giọng nói mà chỉ có một nơron cảm giác nhạy bén gọi là vũ công mới có thể cảm nhận được.
GöteborgsOperans Danskompani (Thụy Điển) đã đặt hàng tác phẩm biên đạo mới nhất của Umeda, Interfacial Scale (2013), được sáng tác cho 11 vũ công và một bản nhạc giao hưởng trừu tượng do Yoshihiro Hanno sáng tác. Ngay sau sự thành công của chương trình, tác phẩm biên đạo mới nhất Peripheral Stream (2014) của anh đã được công diễn lần đầu tại Théâtre Châtelet vào tháng 3 năm 2014, được đặt hàng bởi Dự án Nhảy múa L.A do Benjamin Millepied đứng đầu.
Nối dài mối quan tâm của anh về việc mang đến trải nghiệm giác quan không xác định cho khán giả, từ năm 2010, Umeda đã bắt tay vào thực hiện các chuỗi tác phẩm sắp đặt, chủ yếu tập trung vào ảo giác và sự nhập vai hình thể. Các tác phẩm chính bao gồm Haptic (sắp đặt) (2010) do Aichi Triennale đặt hàng, Holistic Strata (sắp đặt) (2011) ra mắt tại Exposition EXIT tại Maison des arts de Créteil, và Split flow (sắp đặt) (2012) do Van Abbemuseum tại Eindhoven đặt hàng. Chuỗi tác phẩm kết hợp cảm giác thị giác và hình thể này đã mang lại cho anh giải thưởng Danh dự của Prix Ars Electronica vào năm 2010.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH THAM KHẢO
Vở “While Going To A Condition”, © S20
Vở “While Going To A Condition”, © S20
Vở “Intensional Particle”, © S20
Vở “Intensional Particle”, © S20
_________________________
Credits
BTC: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản)
Đơn vị hợp tác: Nhà hát Tuổi trẻ
Contact
Nếu có câu hỏi hay muốn đặt hẹn phỏng vấn với nghệ sĩ, quý vị vui lòng liên hệ:
Ms. Thảo My (024-3944-7419, máy lẻ: 113) / Mr. Osuka (070-513-7550)
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản)
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
SĐT: 024-3944-7419