Đã kết thúc
Diễn giả: Tiến sĩ Phạm Lê Huy
Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Vào ngày 26 tháng 3 (thứ bảy) tới đây, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài giảng với tiêu đề : KHIỂN ĐƯỜNG SỨ CỦA NHẬT BẢN VÀ “VIỆT NAM” – VÙNG ĐẤT “AN NAM” TRONG MẮT FUJIWARA NO KIYOKAWA, ABE NO NAKAMARO VÀ HEGURI NO HIRONARI do Tiến sĩ Phạm Lê Huy đến từ bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày. Đây là chương trình nằm trong chuỗi bài giảng “Close-Up Japan” về nghiên cứu Nhật Bản.
Từ đầu thế kỷ VII đến cuối thế kỷ IX, Nhật Bản đã cử nhiều đoàn sứ giả viếng thăm nhà Tùy và nhà Đường. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, các đoàn sứ giả này, thường được biết đến với tên gọi “Khiển Tùy sứ” và “Khiển Đường sứ”, còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc học hỏi, tiếp thu và vận dụng những thành tựu phát triển về pháp luật, văn hóa của hai vương triều Tùy – Đường trong việc hoàn thiện chế độ luật lệnh cũng như phát triển văn hóa Nhật Bản. Trong số Khiển Đường sứ, có một số người, hoặc do sự sắp đặt tình cờ của tạo hóa, hoặc do sự sắp xếp chủ động của triều đình nhà Đường, đã đặt chân đến vùng đất “An Nam”, tức Việt Nam ngày nay.
Trong bài giảng Close-Up Japan lần này, diễn giả trước tiên sẽ giới thiệu về lịch sử Khiển Tùy sứ – Khiển Đường sứ đặt trong sự đối chiếu với lịch sử cổ đại Việt Nam, từ đó giúp người nghe có được những thông tin mang tính khái quát về một chủ đề quan trọng của lịch sử Nhật Bản cổ đại dưới góc nhìn từ Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua một số tư liệu của Trung Quốc và Việt Nam, diễn giả cũng giúp người nghe quay trở về quá khứ, theo chân các Khiển Đường sứ Fujiwara no Kiyokawa, Abe no Nakamaro và Heguri no Hironari, những sứ giả đến từ cực Đông của thế giới Đông Á khám phá vùng đất cực Nam là xứ “An Nam”, thông qua một số chủ đề cụ thể như hành trình đến An Nam, phủ thành An Nam Đô hộ, hay những nét đặc sắc về tộc người và văn hóa Việt Nam dưới thời Tùy – Đường.
Bài giảng sẽ được tổ chức trực tuyến nên Quý vị dù ở bất kỳ đâu đều có thể dễ dàng tham gia. Kính mong Quý vị quan tâm hãy gửi đăng ký về cho chúng tôi theo mẫu hướng dẫn dưới đây.
■ Thông tin sự kiện
Thời gian: 9:00 – 11:00 ngày 26/03/2022 (Thứ Bảy)
Địa điểm: Chương trình sẽ được tổ chức trực tuyến (Chúng tôi sẽ gửi thông tin URL đến những người đăng ký thành công)
Mẫu đăng ký:
https://bit.ly/closeupjapan8
Chương trình miễn phí
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
■ Thông tin diễn giả
Tiến sĩ Phạm Lê Huy là một nhà nghiên cứu về Lịch sử cổ đại Nhật Bản, Lịch sử cổ trung đại Việt Nam.
Năm 2006: Lấy bằng cử nhân tại Khoa Văn khoa số 1, Đại học Waseda, Nhật Bản.
Năm 2008: Lấy bằng thạc sĩ tại Trường Cao học Nghiên cứu Văn khoa, Đại học Waseda, Nhật Bản.
Năm 2018: Lấy bằng tiến sĩ tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Từ năm 2008-nay: Anh là giảng viên Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Một số công trình nghiên cứu chính:
1. “Chế độ truyền trạm nhìn từ qui định Xa ngưu nhân lực của Phú dịch lệnh”, Tạp chí Lịch sử Nhật Bản (Nhật Bản), Hội Nghiên cứu Lịch sử Nhật Bản, số 736, 2019
2. “Diện mạo và vị trí địa lý của An Nam Đô hộ phủ thời thuộc Đường”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (Việt Nam), số 429-430.
3. “Thiết kế Cung Naniwa tiền kỳ và Cung Heijo nhìn từ tư tưởng Chiêu gián của Trung Quốc”, Tạp chí Cổ đại học – Thánh địa học (Nhật Bản), số 12, 2021.
4. “Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản tại Việt Nam – Hồi cố và Triển vọng”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Nhật Bản (Nhật Bản), số 70, 2021
5. “Sự giao thoa giữa truyền thuyết và Lịch sử – Trường hợp Truyền thuyết Hồ Gươm của Việt Nam” , trong sách Bài giảng văn hóa Đông Á – Thế giới văn học chia sẻ giữa khu vực Đông Á, Nxb, Thông tin Văn học, 2021.
Mọi thắc mắc xin liên hệ
Ms. Hà: hattv@jpf.org.vn / Ms. Sugisaki: ai_sugisaki@jpf.org.vn
Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội www.jpf.org.vn
www.facebook.com/japanfoundation.vietnam