Hoạt động dành cho người học tiếng Nhật
25.02.2022

GIẢI THƯỞNG QUỸ GIAO LƯU QUỐC TẾ NHẬT BẢN LẦN THỨ 48 NĂM 2021
Kết nối thế giới trong đại dịch Covid-19 thông qua Văn hóa

Phỏng vấn các Trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN / Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại thương / Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội
“Góc nhìn từ Nơi phát triển nguồn nhân lực tiếng Nhật, cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam”

   2022.1.24
Số đặc biệt 075

Trong những năm gần đây, số lượng người học tiếng Nhật ngày càng tăng nhanh tại Việt Nam. Theo Báo cáo điều tra các Cơ quan đào tạo tiếng Nhật năm 2018 của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, số lượng người học tiếng Nhật của Việt Nam đứng thứ 6 trên thế giới và mức tăng so với khảo sát năm 2015 là 2,7 lần – là mức tăng cao nhất trên thế giới; số lượng người đăng ký dự thi Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) cũng tăng từ 319 người năm 1996 lên 69.843 người vào năm 2018, tăng nhanh khoảng 219 lần. Trong số đặc biệt “Giải thưởng Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản lần thứ 48 năm 2021 – Kết nối thế giới trong đại dịch Covid-19 thông qua Văn hóa” phần 4* (nội dung số đặc biệt tại đây), chúng tôi đã có buổi trò chuyện về tình hình giáo dục tiếng Nhật hiện nay với các Trưởng Khoa của ba trường đại học tại Hà Nội, Việt Nam – những người luôn nỗ lực hết mình trong công cuộc phổ cập, phát triển và giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam, đồng thời đã thành lập “Phân hội nghiên cứu Nhật ngữ học và Giảng dạy tiếng Nhật”, một tổ chức quy mô toàn quốc đầu tiên tại Việt Nam.
phần 4*: số đặc biệt ” Giải thưởng Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản lần thứ 48 năm 2021 – Kết nối thế giới trong đại dịch Covid-19 thông qua Văn hóa ” đăng trên tạp chí Wochikochi của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản được chia làm 5 phần tương ứng với nội dung khác nhau về Giải thưởng. Tại trang của Trung tâm chỉ đăng nội dung tiếng Việt của phần 4 trong số này.  

Nhân vật phỏng vấn:
TS. Đào Thị Nga My (Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN) (ở giữa)
TS. Trần Thị Thu Thủy (Trưởng Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại thương) (bên phải)
TS. Nghiêm Hồng Vân (Trưởng Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội) (bên trái)

Đầu tiên, xin cho biết: sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, các cô đã yêu thích tiếng Nhật và bén duyên với con đường giáo dục tiếng Nhật như thế nào?

Đào Thị Nga My (Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN / dưới đây gọi tắt là “My”): Tôi học tiếng Nga từ cấp 2 đến cấp 3, ở bậc đại học tôi cũng thi vào khoa tiếng Nga. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Liên Xô cũ sụp đổ nên có tốt nghiệp khoa Tiếng Nga thì cũng rất khó xin việc. Vì vậy sinh viên chuyên ngành tiếng Nga có thể học thêm một ngoại ngữ khác miễn phí. Sinh viên được chọn một trong ba thứ tiếng Anh, Đức và Nhật. Thú thực, ban đầu tôi chọn tiếng Anh, nhưng các bạn cùng lớp đều chọn tiếng Nhật nên tôi không đành học tiếng Nhật (cười).
Tuy nhiên, càng học, tôi càng yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản. Tôi quyết theo đuổi con đường tiếng Nhật nên tôi đã thi vào khoa tiếng Nhật. Sau một năm vào học tại khoa tiếng Nhật, tôi đã đi du học tại Đại học Saitama với tư cách là một sinh viên trao đổi. Sau đó, tôi trở về quê hương và trở thành giảng viên khoa tiếng Nhật của chính ngôi trường mình đã theo học. Tuy vậy, khi đứng trên bục giảng, tôi nhận thấy năng lực tiếng Nhật và kỹ năng giảng dạy của mình còn chưa đủ nên tôi đã đi học thạc sĩ tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ, tôi trở lại làm việc tại trường cho đến nay. Văn hóa Việt Nam và văn hóa Nhật Bản rất gần gũi nên tôi đã có khoảng thời gian du học rất vui vẻ, hoàn toàn không gặp trở ngại nào.

Trần Thị Thu Thủy (Trưởng khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại thương / dưới đây gọi tắt là Thủy): Thời thơ ấu của chúng tôi, từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990, Việt Nam vừa mới đưa ra chính sách Đổi mới * ¹ Đó là thời kỳ mà mối liên hệ với khu vực Xã hội chủ nghĩa vẫn còn mạnh mẽ. Quan hệ với Nga vẫn là trung tâm hơn so với quan hệ với các nước tư bản bao gồm Nhật Bản và các nước phương Tây phát triển, và học tiếng Nga là xu hướng chủ đạo khi đó. Tôi đã học tiếng Nga liên tục từ nhỏ đến hết 3 năm THPT. Khi nhập học vào Trường Đại học Ngoại thương, cũng giống như cô My, chúng tôi bất ngờ được thông báo là “Tiếng Nga sẽ dừng đào tạo từ năm nay, vì vậy những bạn đã thi đỗ vào trường bằng tiếng Nga hãy chọn một ngôn ngữ trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật và Trung”.
Khi tôi còn nhỏ, tôi nhận được một cuốn lịch có hình một cô gái Nhật Bản mặc Kimono, tôi trầm trồ “Ôi, đẹp thế!”, và luôn ngưỡng mộ Nhật Bản đến mức tôi đã treo cuốn lịch đó để trang trí suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là một quốc gia phát triển và là một quốc gia tư bản, nên dù gần về mặt địa lý, nhưng lại thấy cách xa hơn so với Nga và Hungary. Đó là lý do tại sao dù ngưỡng mộ Nhật Bản, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ học tiếng Nhật. Ở trường đại học cũng có lựa chọn học tiếng Anh, nhưng về tiếng Anh, có rất nhiều bạn xuất sắc, vì vậy tôi quyết định chọn một con đường mới và tôi đã quyết định thử thách với một ngôn ngữ mới là tiếng Nhật, ngôn ngữ mà tôi hoàn toàn không quen thuộc. Hiện tại, từ sâu trong tim tôi vẫn thấy lựa chọn đó của mình thật đúng đắn.

Nếu không có cuốn lịch đó, có lẽ cô đã đi một con đường khác rồi nhỉ.

Thủy: Vâng. Hình ảnh người con gái Nhật Bản mặc Kimono được treo trong góc phòng vẫn còn rõ ràng, mới y nguyên trong ký ức của tôi.

Nghiêm Hồng Vân (Trưởng Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội / dưới đây gọi tắt là Vân): Tôi đã học tiếng Anh từ năm lớp 4 đến cấp 3 nên tôi muốn học tiếng Anh thật tốt ở trường đại học và sau này làm việc liên quan đến tiếng Anh. Nhưng khi viết hồ sơ đăng ký dự thi đại học, tôi đã ghi nhầm mã nhập học và phải vào học khoa tiếng Nhật. Về đến nhà tôi kể lại cho bố mẹ nghe thì bố mẹ cũng an ủi tôi là “ngày nào con cũng đọc truyện Doraemon và Thám tử lừng danh Conan bằng tiếng Việt như thế nên giờ nếu học tiếng Nhật thì có thể đọc bằng tiếng Nhật rồi. Học tiếng Nhật cũng tốt mà…” nên tôi bắt đầu suy nghĩ lại. Khi tôi còn học cấp 2 và cấp 3, “Doraemon” và “Thám tử lừng danh Conan” rất nổi tiếng, ai cũng say mê đọc. Thầy Trưởng khoa và Phó khoa của tôi khi đó cũng động viên: “Nếu chăm chỉ học tập thì sinh viên năm 3 sẽ có cơ hội đi du học đấy” nên tôi đã chăm chỉ học tiếng Nhật cho đến cùng. Giờ đây, khi nhớ về điều đó, tôi thấy đây có lẽ là cái duyên. Tôi vui vì mình đã học tiếng Nhật.

Chủ tịch Kazuyoshi Umemoto của JF trao Giấy chứng nhận giải thưởng qua màn hình.

Theo Báo cáo điều tra các Cơ quan đào tạo tiếng Nhật năm 2018, số lượng người học tiếng Nhật ở Việt Nam đã tăng 169,1% so với cuộc khảo sát trước đó, và số lượng cơ sở đào tạo và giảng viên tăng gần gấp bốn lần. Cô có suy nghĩ như thế nào về bối cảnh của sự gia tăng này?

My: Về bối cảnh phát triển, trước hết là do mối quan hệ hữu nghị mật thiết giữa hai chính phủ. Vì cùng nằm trong khu vực châu Á nên mối quan hệ giữa hai chính phủ chặt chẽ hơn so với các nước Âu Mỹ. Và cả hai nước đều tập trung phát triển giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam. Ngoài ra, khoảng cách địa lý và văn hóa gần gũi nên nhiều người đã sang Nhật Bản học tập kỹ năng theo diện thực tập sinh kỹ năng. Giáo dục tiếng Nhật không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh mà còn phát triển tại các địa phương khác.
Người Việt Nam về cơ bản là yêu quý Nhật Bản nên có nhiều phụ huynh cho con học tiếng Nhật. Gần đây, giáo dục tiếng Nhật không chỉ được đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học mà còn ở các cơ sở giáo dục tiểu học và trung học.

Vân: Tôi nghĩ có ba lý do chính khiến số lượng người học tiếng Nhật tăng lên. Một là khoảng cách địa lý gần nên văn hóa và suy nghĩ rất gần gũi,người Việt Nam quan tâm đến Nhật Bản ngày càng tăng lên. Hai là mong muốn học tiếng Nhật và tìm kiếm một công việc tốt. Bạn càng thành thạo tiếng Nhật, bạn càng có nhiều cơ hội thăng tiến. Và cuối cùng, ngày nay, nếu muốn học tiếng Nhật, cũng có rất nhiều phương tiện để học tập như có thể học trên Internet, và trẻ em Việt Nam có thể học tiếng Nhật ngay từ bậc tiểu học. Tôi nghĩ rằng số lượng người Việt Nam học tiếng Nhật sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Không chỉ người học tiếng Nhật, ngày nay, có thể bắt gặp rất nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản. Số người Việt Nam định cư tại Nhật Bản đã vượt qua người Hàn Quốc và đứng ở vị trí thứ hai.

Thủy: Về bối cảnh đó, Nhật Bản vốn đã đầu tư vào châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và tại Đông Nam Á thì đầu tư vào Thái Lan và Indonesia trước Việt Nam. Nhưng gần đây, đã xảy ra xung đột về mặt ngoại giao, kinh tế và thương mại giữa Nhật Bản – Mỹ hoặc là Nhật Bản – Trung Quốc. Vì vậy, tôi cho rằng một lí do nữa khiến Chính phủ Nhật Bản và các công ty Nhật Bản bắt đầu quan tâm sâu sắc đến Việt Nam là vì họ phải tìm địa điểm đầu tư, địa điểm để phát triển kinh doanh ở các nước khác ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan.
Do đó, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây ngày càng khăng khít, trước tiên trở thành đối tác chiến lược, sau đó tiến thêm một bước là đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, tôi cho rằng mối quan hệ giữa hai nước rất phát triển không chỉ về văn hóa, ngoại giao mà còn về an ninh và thương mại. Phải chăng đó chính là nền tảng lớn nhất của mối quan hệ giữa hai nước.
Trên thực tế, số lượng các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng gia tăng, và nếu có lợi thế nói được tiếng Nhật sẽ dễ dàng tìm được việc làm hơn. Vì vậy, số lượng người Việt Nam muốn học tiếng Nhật đã tăng  lên nhiều.
Ngoài ra, về lý do số lượng người Việt Nam sang Nhật Bản gia tăng, theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng lên mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản cũng ngày càng gia tăng. Đặc biệt là ngành CNTT. Có thể kể đến FPT, một công ty CNTT lớn của Việt Nam, là một ví dụ tiêu biểu.
Hơn nữa, do nguồn nhân lực thiếu hụt nên nhiều công ty Nhật Bản muốn tiếp nhận ngày càng nhiều thực tập sinh kỹ năng ưu tú của Việt Nam. Do đó, sẽ có nhiều người tìm được việc làm hơn tại Nhật Bản, và cùng với đó, sẽ có thêm nhiều công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản. Có ý kiến cho rằng, tới đây sẽ ngày càng có nhiều dịch vụ khác nhau như cho thuê nhà ở, du lịch hay cung cấp cơ hội giáo dục cho trẻ em Việt Nam tại Nhật Bản.

Một điều quan trọng là Nhật Bản cũng cần tạo môi trường làm việc thoải mái cho người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản phải không.

Tập thể giảng viên Khoa tiếng Nhật trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Ngoại thương

 Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc học tập thực sự khó khăn, ví dụ như du học sinh không thể nhập cảnh và khi đã nhập cảnh thì không thể về nước, nhưng mặt khác môi trường học tập trực tuyến, e-learning cũng dần quen hơn. Cô thấy thế nào về vấn đề này?

My: Ở Việt Nam, dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh vào tháng 3 năm 2020. Thực sự lúc đầu tôi không quen với các lớp học trực tuyến, vừa làm vừa mò mẫm, rất khó khăn. Các sinh viên cũng không quen với điều đó nên cả cô cả trò đều chật vật. Tuy vậy, tôi cũng thấy một điểm rất tốt của dạy- học online là bạn có thể tương tác với nhiều người ở bất cứ đâu chỉ cần bạn có môi trường internet và thiết bị kết nối.
Ở Khoa chúng tôi, mỗi năm có hàng chục sinh viên nhận được học bổng đi du học Nhật Bản. Trong hai năm qua không thể sang Nhật, nhưng chúng tôi có nhiều hoạt động giao lưu với sinh viên các trường đại học Nhật Bản hơn trước. Chúng tôi tiến hành học tập phối hợp với sinh viên các trường đại học có thỏa thuận liên kết, thành lập các nhóm và thực hiện các dự án khác nhau, qua đó nhiều sinh viên đã học hỏi được rất nhiều điều.
Từ trước đến nay, để họp hành, đàm phán, giảng viên chúng tôi phải sang Nhật hoặc giảng viên các trường đại học Nhật Bản phải đến Việt Nam, nhưng gần đây chúng tôi có thể tổ chức họp trực tuyến. Tôi thấy rằng trong thời kỳ hậu Corona, bên cạnh giáo dục trực tiếp trên lớp là chính, sẽ thực hiện song song cả hình thức trực tuyến. Đây sẽ là cách thức triển khai của giáo dục tiếng Nhật trong thời gian tới.

Hiện tại, các giờ học đang thực hiện kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến phải không?

My: Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN hiện tại toàn bộ tiến hành trực tuyến.

Vân: Trường Đại học Hà Nội của chúng tôi đã triển khai các lớp học trực tuyến từ tháng 2 năm 2021. Một ưu điểm của việc tổ chức giảng dạy theo hình thức “lớp học trực tuyến” như thế này là là giảng viên và sinh viên có thể vừa ở nhà nhưng vẫn có thể giảng hoặc tham gia bài giảng. Tuy nhiên, hiện nảy sinh vấn đề lớn.
Một là khó có thể khiến tất cả sinh viên tham gia các lớp học trực tuyến một cách bình đẳng. Ví dụ, sự khác biệt về môi trường internet giữa sinh viên sống ở nông thôn và sinh viên sống ở thành phố hay sự khác biệt về phương tiện học tập giữa sinh viên dùng điện thoại thông minh và sinh viên dùng máy tính để học sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Thứ hai là vấn đề bằng cấp và tín chỉ. Tại trường đại học của chúng tôi, hầu hết các môn học đều tiến hành các kỳ thi trực tuyến, nhưng nguy cơ gian lận là không thể phủ nhận. Làm thế nào để ngăn chặn gian lận đang trở thành một vấn đề rất lớn.
Một điều khác nữa là, tôi đã dạy trực tuyến trong khoảng 8 tháng, điều được nghe từ sinh viên và giảng viên là việc lo lắng về mặt sức khỏe. Dạy học trực tuyến đã được bắt đầu vào năm 2020, khi đó, thời lượng 3 tiếng của một buổi giảng trực tiếp được giảm xuống còn từ một tiếng rưỡi tới khoảng hai tiếng cho một buổi giảng trực tuyến. Tuy nhiên, vì đại dịch kéo dài nên chúng tôi buộc phải tiến hành dạy, học trực tuyến đảm bảo đúng thời lượng 3 tiếng như học trực tiếp nhưng lại có nhiều ý kiến phàn nàn rằng việc sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử trong thời gian dài sẽ không tốt cho mắt hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng tôi đang tập trung vào các biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Tập thể giảng viên Khoa tiếng Nhật trong dịp kỷ niệm 45 năm bắt đầu đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật Bản và kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội.

Có thể thấy đã đến lúc phải suy nghĩ lại một cách căn bản về việc nên giảng dạy ngôn ngữ như thế nào phải không?

Thủy: Đúng như vậy. Lần này, Corona cũng dồn tôi đến chỗ tôi phải suy nghĩ lại một cách căn bản về việc nên giảng dạy ngôn ngữ như thế nào. Đầu tiên, cần thay đổi suy nghĩ của người học và người dạy. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng giờ học trực tuyến chỉ là tạm thời và sẽ sớm quay lại giờ học trực tiếp sau khi đại dịch kết thúc, nhưng trong thời đại sống chung với Corona, tôi phải thay đổi suy nghĩ theo hướng cần làm thế nào để giờ học luôn đạt hiệu quả kể cả học trực tuyến.
Ngoài ra, mặc dù gần đây thuật ngữ học tập kết hợp (blended learning)*² đã trở nên thịnh hành, nhưng kể cả sau khi dịch Covid-19 kết thúc, cần phải kết hợp trực tiếp và trực tuyến như thế nào để phát huy lợi thế của mỗi giờ học? Tôi nghĩ phải chăng đã đến lúc chúng ta cần tìm hiểu về giờ học theo mô hình học tập kết hợp.

Có thể các môn học khác cũng tương tự, nhưng trong giáo dục ngôn ngữ, sự giao lưu của “tâm hồn” đặc biệt quan trọng phải không?

Thủy: Sự giao lưu của “tâm hồn” trong giờ học trực tuyến đúng là không dễ dàng. Tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt, nhưng không dễ dàng đọc được sự ấm áp hay tình cảm ấm áp qua màn hình. Làm việc theo nhóm và tiếp xúc giữa các sinh viên hầu như không thể thực hiện được trong hai năm qua. Tôi hơi lo lắng cho những sinh viên sẽ tốt nghiệp vào bốn năm sau, thế hệ tương lai sẽ trưởng thành như thế nào.

Động lực học tập của sinh viên như thế nào khi không thể đến trường, đi du học?

My: Tôi nghĩ rằng các em rất mong muốn đi học và gặp gỡ bạn bè. Hai năm nay sinh viên không được gặp nhau, không thể trò chuyện với nhau nên tôi lo sẽ có nhiều sinh viên bị trầm cảm do căng thẳng. Vì vậy, về việc tương tác giữa sinh viên với nhau và tương tác giữa sinh viên và giảng viên, chúng tôi đang xem xét nhiều phương pháp khác nhau như thành lập phòng tư vấn cho sinh viên.

Vân: Chúng tôi hiện đang nghĩ cách tạo động lực cho sinh viên trong giờ học trực tuyến. Thật khó để nói rằng mọi thứ vẫn như trước đây, nhưng tôi có thể tự tin nói rằng động lực học tập của các em không giảm nhiều. Lý do là chúng tôi có một “câu lạc bộ tiếng Nhật” do sinh viên tự tổ chức, và mỗi tháng một lần, những sinh viên muốn nói tiếng Nhật và quan tâm đến Nhật Bản sẽ tập trung, nói chuyện và giao lưu với nhau trong khoảng 3 giờ. Tôi đã đề nghị các em tăng lên 2-3 lần một tháng thay vì mỗi tháng một lần.

Hoạt động sinh viên “Musubi”của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN

Ngoài ra, chúng tôi có hơn 40 trường đối tác tại Nhật Bản nên chúng tôi đang tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến với sinh viên của các trường đối tác có  quan tâm đến Việt Nam. Cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức một, hai lần với các sinh viên của Trường đại học Osaka và Ibaraki.
Với sinh viên năm thứ 3, chúng tôi có chương trình du học trao đổi. Bây giờ không thể sang Nhật nhưng cũng có trường đối tác tổ chức giờ học trực tuyến nên năm 2021 chúng tôi có 27 người tham gia các giờ học đó tại Việt Nam. Vì vậy, nhiều sinh viên không hề bị suy giảm động lực học tập.

Thủy: Theo như tôi thấy, mong muốn đi Nhật của sinh viên không hề thay đổi. Tôi nghĩ rằng không chỉ đơn thuần đi để tham gia học tập tại một trường đại học Nhật Bản, mà còn vì mong muốn được trải nghiệm nhiều điều tại Nhật Bản bên cạnh việc học như được ra ngoài và kết bạn… Vì vậy, một số sinh viên thấy rằng mặc dù du học tại Nhật Bản, nhưng chỉ là giờ học trực tuyến qua màn hình thì không thú vị lắm. Tôi thấy cũng có sinh viên đành chờ đợi đến khi dịch Covid-19 kết thúc sẽ đi du học Nhật Bản, rồi cũng có những sinh viên từ bỏ việc du học Nhật Bản ở bậc Đại học, thay đổi kế hoạch của bản thân và chuyển sang du học ở bậc Thạc sĩ.

Có thể thấy “Phân hội nghiên cứu Nhật ngữ học và Giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam” là một nơi tuyệt vời để chia sẻ những ý tưởng và những vấn đề gặp phải. Hãy cho chúng tôi biết điều gì đã khiến các cô nghĩ đến thành lập Phân hội?

Thủy: Lý do cho điều này là mong muốn mạnh mẽ của ba chúng tôi. Giáo dục tiếng Nhật ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1960, nhưng không có một tổ chức mang tính đại diện của Việt Nam, và hơi buồn khi đi tham dự các hội thảo quốc tế và giao lưu quốc tế, chúng tôi chỉ có thể tham dự với tư cách của trường đại học đơn lẻ. Chúng tôi cũng thất vọng vì mặc dù có lịch sử giảng dạy tiếng Nhật lâu đời, vậy mà chỉ Việt Nam là không có tổ chức nào như vậy. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng nếu có thể thành lập một tổ chức tập hợp toàn bộ các trường đại học, thì khi ra đấu trường quốc tế, chúng tôi có thể xuất hiện với tư cách là đại diện của một quốc gia, chứ không phải là một trường đại học đơn thuần, có thể sánh vai cùng các nước khác ở một mức độ nào đó. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Phân hội là cô My, sau khoảng thời gian hoàn tất các thủ tục, cuối cùng ước mơ thành lập tổ chức của chúng tôi đã thành hiện thực vào năm 2017.
Tất nhiên, sau khi Phân hội được thành lập, chúng tôi – những giảng viên tiếng Nhật, các nhà nghiên cứu Ngôn ngữ Nhật Bản đã có thể trao đổi thông tin hoặc thảo luận với nhau về những vướng mắc, những vấn đề gặp phải, cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, tìm ra những giải pháp. Điều đó thật tuyệt vời và tôi cảm nhận được giá trị lớn lao ở đó.
Dù bận rộn, khó khăn đến đâu, hay thậm chí là trong đại dịch Covid-19, Phân hội vẫn đều đặn tổ chức hội thảo mỗi năm một lần vào cuối năm. Cứ vào khoảng tháng 11 hàng năm, các thầy cô giáo trên khắp cả nước lại hỏi chúng tôi: “Kế hoạch hội thảo năm nay thế nào?” Chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy phải chăng Phân hội đã có được chỗ đứng của mình.

Buổi phát biểu thành lập Phân hội nghiên cứu Nhật ngữ học và Giảng dạy tiếng Nhật Việt Nam được tổ chức vào ngày 25 tháng 11 năm 2016

 My: Một mục đích khác của việc thành lập “Phân hội nghiên cứu Nhật ngữ học và Giảng dạy tiếng Nhật” là nếu không thành lập Phân hội thì không thể tham gia Mạng lưới Toàn cầu về Giáo dục Nhật ngữ trên thế giới (GN) và không thể sánh vai với nền giáo dục Nhật ngữ của các quốc gia khác.
Đến năm 2022 là được 5 năm kể từ khi thành lập Phân hội, chúng tôi dự định gia  nhập GN và tổ chức một sự kiện nhằm kết nối các hội học thuật, hội nghiên cứu và hội giảng viên liên quan đến giáo dục tiếng Nhật trên toàn thế giới. Ngoài ra, trong tương lai gần, chúng tôi muốn tổ chức hội nghị quốc tế toàn cầu về giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam.
Một hoạt động khác của Phân hội là tiến cử những người tham gia vào chương trình đào tạo giảng viên tiếng Nhật được tổ chức hàng năm tại Trung tâm Quốc tế Hiroshima (Tỉnh Hiroshima). Trước đây, những người tham gia sang tận nơi để tập huấn trực tiếp, nhưng từ năm 2020 đã được tổ chức trực tuyến. Không có việc hủy bỏ hoặc trì hoãn các hoạt động, ngay cả khi đó là đại dịch Covid-19.

Thật tuyệt vời! Với giải thưởng này, chúng tôi cầu chúc cho các hoạt động của Phân hội ngày càng phát triển hơn nữa.

My: Lần này, ba trường đại học của chúng tôi đã nhận được giải thưởng với tư cách là đại diện của Việt Nam. Đây thực sự là một điều vinh dự với Việt Nam nói chung và với mỗi trường chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!

Chính sách Đổi mới …… khẩu hiệu được nêu ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, nhằm chuyển hướng sang một hướng mới, chủ yếu là về mặt tư tưởng kinh tế và xã hội.

 *² Blended learning …… Một phương pháp học tập kết hợp giữa e-learning với học tập trung thông thường. Bằng cách kết hợp cùng nhau, mục đích là để đạt được hiệu quả học tập cao hơn so với việc chỉ thực hiện đơn lẻ một phương pháp.

Buổi phỏng vấn trực tuyến được thực hiện vào tháng 11 năm 2021
Phỏng vấn / Văn bản: Hitomi Terae (Trung tâm Truyền thông Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản)
Văn bản: Segawa Yoko (như trên)

Đăng ký email cập nhật

TRUNG TÂM GIAO LƯU VĂN HÓA NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM

Số 27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

jpfhanoi@jpf.go.jp

+84(0)24 3944 7419

+84(0)24 3944 7418

  • Fb
  • ytpf

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ