SỰ RA ĐỜI CỦA BUTOH
Tác phẩm “Kinjiki” của Hijikata Tatsumi tại chương trình biểu diễn thường niên dành cho các gương mặt trẻ năm 1959 thường được coi là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của Butoh. Tác phẩm ngắn này do Hijikata Tatsumi đạo diễn, với sự biểu diễn của Hijikata và Ohno Yoshito. Tác phẩm đã tạo ra chấn động lớn khi lấy chủ đề đồng tính luyến ái, đồng thời có cảnh bóp chết con gà. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tác phẩm chưa được gọi là “Butoh”. Thuật ngữ “Butoh” chỉ ra đời từ nửa cuối những năm 1960.
Lấy “Kinjiki” làm bệ phóng, Ohno Kazuo và các vũ công, nghệ sỹ từ những mảng khác cũng chung tay cùng Hijikata làm nên nhiều tác phẩm thể nghiệm khác, tạo nên loại hình gọi là “Butoh”.
Là một người đã được chứng kiến chuỗi tác phẩm thể nghiệm này, Shibusawa Tatsuhiko đã nhận xét về Butoh của Hijikata như sau:
Một người đàn ông khỏa thân co cụm trên sân khấu với cái lưng cong và tay chân co rút. Ông xuất hiện dưới hình hài một bào thai đang ngủ – ẩn dụ cho cả sự sống và cái chết, cũng có thể là một con bọ trong tiểu thuyết của Kafka. Cuối cùng, người đàn ông khỏa thân từ từ gượng dậy, để lộ từng thớ cơ, thớ xương, và bắt đầu co giãn cơ thể. Ngực ông, bụng ông phập phồng mạnh mẽ như ống thổi, rồi vừa co giật thất thường như một đứa trẻ phụng phịu, vừa đi lại giật cục quanh sân khấu. Đôi lúc, ông dừng bất chợt, chân cứng đờ và nấc lên những tiếng khóc vô nghĩa. Điệu múa gây sửng sốt đó đã cho thấy tiềm năng không tưởng và kỳ diệu của chuyển động hình thể, đi ngược lại hoàn toàn sự kỳ vọng vào những động tác thường ngày hay những động tác đầy tính nhịp điệu và mô phạm của Ballet cổ điển.
“Yameru Maihime” – Hijikata Tatsumi, bản thứ nhất
(trích cuốn “Về Hijikata Tatsumi”, Hakusuisha, 1983)
Nhóm của Hijikata không phải một “nhóm múa” (Dan), mà gần với một “phái múa đen tối” (Ha). Từ “Ha” ít khi được sử dụng trong nghệ thuật, cũng giống như nhóm của Hijikata sẽ tạo nên một loại hình ngôn ngữ hình thể độc nhất vô nhị. Không chỉ là các động tác như Shibusawa đã nêu, Butoh là thị giác, là lời nói, là cách sống, là độc nhất trên mọi phương diện và thu hút rất nhiều người không liên quan gì đến nhảy múa. Với bất cứ ai, Butoh cũng là một thứ vô cùng mới.
TỪ THỂ NGHIỆM ĐẾN HOÀNG KIM
Những năm 1970 là thời kỳ hoàng kim của những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn “Butoh”. Quả không ngoa khi nói, “Shikino tame no nijunanaban” [Hai bảy đêm cho bốn mùa] (1972) của Hijikata, “Admiring La Argentina” (1977) của Ohno Kazuo, “Kinkan Shonen” (1978) của Sankai Juku chính là những điểm sáng trong lịch sử nghệ thuật múa của thế kỷ XX. Cùng khoảng thời gian đó, các vũ công Butoh bắt đầu tiến ra thế giới. Vở diễn đầu tiên của Muroboshi Ko tại Paris – “Le Dernier Eden” – là vào năm 1978.
Từ những năm 1980, sự quốc tế hóa đã bắt đầu định hình Butoh như ngày nay. Sự kiện bước ngoặt là Liên hoan quốc tế Festival Mondial du Théatre de Nancy được tổ chức vào năm 1980 với sự tham gia của Ohno Kazuo, Kasai Akira, Tanaka Min và Sankai Juku với tư cách đại diện cho Nhật Bản và đều thu hút đông đảo sự chú ý. Từ đó, Butoh bắt đầu hòa vào dòng chảy của cộng đồng múa phương Tây, sản sinh ra một dòng chảy tuần hoàn quanh thế giới.
Còn ở Nhật Bản? Dù được đánh giá cao về tính nghệ thuật, Butoh vẫn chỉ là một loại hình nghệ thuật bác học dành cho thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sỹ Butoh vẫn phải kiếm sống bằng việc biểu diễn trong các cabaret hoặc các hình thức nghệ thuật bình dân. Dẫu sao, thật khó có thể nói rằng Butoh được đại đa số công chúng để mắt tới.
Văn bản gốc: “Something Called Butoh”, (NPO Dance Archive Network, 2020), p.6-10. written by Toshio Mizohata