Đã kết thúc
Diễn giả: Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương – Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Vào ngày 28 tháng 3 tới đây, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài giảng với tiêu đề “Tham gia xã hội của người cao tuổi: Một góc nhìn so sánh Nhật Bản – Việt Nam và những gợi ý chính sách” do Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương đến từ Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày. Đây là chương trình nằm trong chuỗi bài giảng “Close-up Japan” về nghiên cứu Nhật Bản.
Nhật Bản hiện là quốc gia có tỉ lệ dân số già cao nhất trên thế giới. Quá trình già hóa dân số ở Nhật Bản bắt đầu từ thập niên 1990 như là kết quả của thời kì bùng nổ dân số sau chiến tranh. Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2017 nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam hiện nay thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Những bài học và kinh nghiệm trải qua già hóa dân số và chăm sóc dân số già ở Nhật Bản có thể là những bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong tương lai gần. Một số gợi ý chính sách cho người cao tuổi ở Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản có thể giúp ích cho các nhà làm chính sách, các cơ quan, tổ chức hoạt động vì người cao tuổi Việt Nam; đồng thời cũng có thể là những gợi ý nghiên cứu cho sinh viên, học viên sau đại học và những nhà nghiên cứu quan tâm tới chủ đề này.
■ Thông tin sự kiện
Thời gian: 28/03/2021 (Chủ nhật) 9:00 – 11:00
Địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
(27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Ngôn ngữ: Tiếng Việt (không có phiên dịch)
Vào cửa miễn phí, đăng ký trước tại đây: http://bit.do/Tham-gia-xa-hoi-NCT
Số người tham gia: Tối đa 30 người.
■ Thông tin diễn giả
Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương là nhà Xã hội học, hiện làm việc tại Viện Xã hội học (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), đồng thời là giảng viên thỉnh giảng ngành Khu vực học của Trường Đại học Việt Nhật. Cô nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Senshu (Nhật Bản).
Trong 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu các vấn đề xã hội của Việt Nam và các nước trong khu vực, mối quan tâm nghiên cứu chính của cô bao gồm: an sinh xã hội, khu vực dân sự và phát triển nông thôn. Nhiều công trình nghiên cứu của Tiến sĩ đã được xuất bản trong nước và quốc tế. Các xuất bản phẩm quốc tế tiêu biểu gần đây của cô gồm: “Thờ cúng tổ tiên và chất lượng sống: Sự biến đổi của những ràng buộc với người quá cố ở Nhật Bản hiện nay” trong sách Chất lượng sống ở Nhật Bản- Những góc nhìn đương đại về hạnh phúc (tiếng Anh, năm 2019); Chương sách “Việt Nam” trong sách Cẩm nang Routledge về xã hội dân sự ở châu Á (tiếng Anh, năm 2018); Chương sách “Hội tự nguyện và việc kiến tạo không gian xã hội ở nông thôn miền Bắc Việt Nam”, trong sách Sự chuyển đổi kinh tế, công nghiệp, xã hội và văn hóa ở Việt Nam (tiếng Nhật, năm 2017); bài báo “Các tổ chức xã hội Việt Nam: Trợ lực hay trở lực cho quá trình dân chủ? Kết quả từ một khảo sát thực nghiệm”, xuất bản trong tạp chí Các vấn đề đương đại ở Đông Nam Á (tiếng Anh, năm 2016). Cô cũng là tác giả của cuốn sách tiếng Anh Đời sống tập thể: Xã hội học về các hội tự nguyện ở nông thôn Bắc Việt Nam (xuất bản năm 2015).
Tiến sĩ Phương đã từng nhận được các tài trợ của Quỹ Giao Lưu Quốc tế Nhật Bản để học tập và nghiên cứu về suy giảm dân số, dân số già và đời sống hội nhóm của người cao tuổi Nhật Bản. Dự án nghiên cứu hiện tại của cô tập trung nghiên cứu sự chuyển đổi từ già hóa thụ động sang già hóa tích cực của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số nhanh ở Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu này tìm kiếm nơi những trải nghiệm tuổi già ở Nhật Bản những gợi ý chính sách cho người cao tuổi Việt Nam trong thời gian tới.
■ Mọi thắc mắc xin liên hệ
Ms. Hà Email: hattv@jpf.org.vn Tel: 024-3944-7419 (Ext. 136) / Ms. Sugisaki (Ext. 160)
Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội TEL 024-3944-7419 www.jpf.org.vn
www.facebook.com/japanfoundation.vietnam